Dấu hiệu và cách xử lý khi trẻ bị tiêu chảy cấp
Bệnh tiêu chảy cấp thường có những triệu chứng khá ồ ạt, đặc biệt trong 2 - 3 ngày đầu. Trẻ bị tiêu chảy cấp không hiếm gặp, có nguyên nhân đơn giản nhưng cũng có nguyên nhân khá nguy hiểm. Theo nghiên cứu, tiêu chảy cấp là nguyên nhân thứ hai gây tử vong ở trẻ sau nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính.
1. Nguyên nhân và dấu hiệu
Nguyên nhân
Tiêu chảy cấp ở trẻ em có thể do virus, vi khuẩn, ký sinh trùng. Trong đó, tác nhân chính gây tiêu chảy nặng, đe dọa tính mạng trẻ và hay gây thành dịch là Rotavirus.Ngoài ra, các mẹ cần chú ý một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc tiêu chảy để phòng tránh:
- Tuổi hay gặp: Trẻ từ 6-11 tháng tuổi (bắt đầu tập ăn dặm)
- Bé bị suy dinh dưỡng
- Suy giảm miễn dịch: Sau mắc sởi hoặc bé bị HIV
- Việt Nam có khí hậu nhiệt đới gió mùa nên trẻ dễ bị mắc bệnh tiêu chảy do vi khuẩn, đặc biệt là rotavirus hay hoành hành vào mùa khô lạnh
- Tập quán không tốt: Bú chai, ăn dặm không đúng cách, nước ô nhiễm, không rửa tay khi dọn phân, khi chế biến thức ăn, xử lý phân không hợp vệ sinh.
Dấu hiệu trẻ bị tiêu chảy cấp
Trẻ nhỏ dưới 1 tuổi đặc biệt dưới 6 tháng tuổi có tần suất đi tiêu nhiều lần trong ngày, trung bình từ 3 - 10 lần/ ngày hoặc hơn. Phân của trẻ nhìn có thể sệt, lỏng,nhiều màu vàng, xanh, hoặc nâu.
Trẻ bú sữa mẹ có tần suất thải phân nhiều lần hơn và phân có nước nhiều hơn so với trẻ uống sữa công thức. Trẻ từ 1 tuổi trở lên, thông thường có khoảng 1 - 2 lần đi tiêu một ngày.
Phân trong tiêu chảy cấp thường lỏng nhiều, có nhiều nước, mùi hôi tanh. Bên cạnh đó, vì đây là một biểu hiện bệnh đường ruột, trẻ sẽ có thêm những triệu chứng khác như mệt, quấy khóc nhiều, sốt, buồn nôn và nôn, đau bụng,..
Thông thường, ở trẻ dưới 1 tuổi, tiêu chảy được định nghĩa khi trẻ đi tiêu gấp đôi số lần đi tiêu bình thường. Đối với trẻ trên 1 tuổi, là khi trẻ đi tiêu phân lỏng nước từ 3 lần một ngày trở lên.
2. Bố mẹ nên làm gì khi trẻ bị tiêu chảy cấp?
Sử dụng thuốc khi trẻ bị tiêu chảy cấp
Nếu trẻ sốt từ 38.3°C - 38.5°C trở lên (không có tiền sử co giật do sốt), bố mẹ có thể cho trẻ uống thuốc hạ sốt, giảm đau như Acetaminophen - bạn nên xem kỹ thành phần biệt dược dưới tên thuốc nhé!) 10 - 15mg/kg/lần, tối đa 4 lần một ngày.
Trẻ bị tiêu chảy cấp nên ăn gì?
Ban đầu, trẻ có thể từ chối thức ăn đặc biệt là các thức ăn cứng. Điều này là bình thường và ba mẹ sẽ hỗ trợ cho trẻ uống nước và sữa mà thôi. Phụ huynh cũng có thể chuẩn bị những thức ăn dạng lỏng, dễ ăn hơn cho trẻ để xem trẻ có chấp nhận hay không.
Đối với hiện tượng ói nhiều, bố mẹ nên cho trẻ ăn, uống chậm lại, lượng ít lại, thường xuyên hơn, để giảm thiểu khả năng bị ói thêm ở trẻ.
Khi bị tiêu lỏng nhiều lần và nôn ói, trẻ sẽ có nguy cơ bị mất nước, hạ đường huyết, rối loạn điện giải, làm tình trạng của trẻ nặng hơn. Phụ huynh có thể cho trẻ uống từng ngụm nhỏ nước, sữa, hoặc đút muỗng, bơm vào miệng từ từ, thường xuyên cho trẻ. Mục tiêu của chúng ta là có thể "bù nước và điện giải" một cách hiệu quả cho trẻ, để tránh những biến chứng này.
Ở trẻ dưới một tuổi còn bú mẹ hoặc bú sữa công thức, các bà mẹ vẫn nên cho trẻ bú mẹ hoặc sữa công thức để bù nước, điện giải và năng lượng cho trẻ qua thực phẩm quan trọng này.
Cần bổ sung nước – cung cấp điện giải cho con khi bị tiêu chảy
Những lưu ý bố mẹ cần tránh cho con
Không nên sử dụng dung dịch điện giải cho trẻ nhỏ khi chưa có sự tư vấn của bác sĩ. Vì việc cho trẻ uống điện giải có thể làm trẻ giảm uống sữa mẹ/sữa công thức và làm trẻ mệt mỏi hơn.
Đối với những trẻ lớn hơn, chúng ta có thể sử dụng dung dịch điện giải thoải mái hơn.Không nên cho trẻ uống nước trái cây nguyên chất vì sẽ làm cho tiêu chảy của trẻ nặng hơn, vì nước trái cây chứa nhiều đường. Nếu bạn vẫn muốn cho trẻ uống pha loãng phần nước chín với một phần nước trái cây. Các loại nước ngọt cũng như các loại nước "điện giải" được bán ngoài thị trường, cũng là một lựa chọn xấu vì sẽ làm trẻ bị khó chịu đường ruột hơn và bị tiêu ngoài nhiều hơn, trong giai đoạn bệnh.
Trẻ cần đi khám bác sĩ ngay
Nếu trẻ dưới 6 tháng tuổi bị tiêu chảy cấp hãy cho tới bệnh viện ngay vì trẻ tuổi này rất dễ bị mất nước và trở nặng bệnh mà người nhà có thể không nhận biết được. Ở trẻ lớn hơn, nếu có các dấu hiệu sau đây:
- Phân có máu và trẻ có dấu hiệu mất nước
- Trẻ vẫn nôn ói nhiều, mặc dù bố mẹ đã cho trẻ uống chậm, ít, thường xuyên.
- Trẻ không chịu ăn uống gì, trong khi vẫn còn tiêu chảy và nôn ói nhiều
- Trẻ đi tiêu quá thường xuyên và sợ rằng không bù được đủ nước cho trẻ
- Khi nôn ói, bố mẹ thấy dịch nôn ói của trẻ có màu xanh lá cây
- Trẻ mệt mỏi, lừ đừ, quấy khóc liên tục, hoặc nếu bạn thấy trẻ ngủ nhiều, khó đánh thức
- Tiêu chảy vẫn không hết sau 7 ngày
- Trẻ sốt và đau bụng nhiều
Theo Vimec
Bài viết liên quan