Người cao tuổi và bệnh táo bón
Có rất nhiều nguyên nhân gây nên tình trạng táo bón ở người già. Nếu không được chữa trị kịp thời có thể dẫn tới một số biến chứng nguy hiểm.
1. Vì sao người cao tuổi hay mắc táo bón?
Thức ăn sau khi vào dạ dày sẽ được nghiền nát nhờ những cử động co bóp của dạ dày và những chất tiết ra từ dạ dày. Sau đó, thức ăn sẽ được đưa xuống ruột non. Tại đây các chất dinh dưỡng sẽ được hấp thụ, còn những chất cặn bã sẽ được đưa xuống ruột già.
Táo bón xảy ra khi vì một lý do nào đó khiến khối phân di chuyển trong ruột già quá chậm chạp làm cho phân bị hấp thụ nước nhiều hơn bình thường và trở nên cứng khi đến hậu môn.
Có rất nhiều nguyên nhân gây nên tình trạng táo bón như: Do dùng thuốc, thói quen, chế độ ăn, bệnh lý toàn thân hoặc tổn thương thực thể tại ống tiêu hóa. Tuy nhiên, táo bón ở người già thường gặp ở một số nguyên nhân sau:
Hoạt động thể chất bị suy giảm
Hầu hết người cao tuổi đã nhận thức được vận động làm cho mọi cơ quan của cơ thể hoạt động đều đặn, nhưng có một số trường hợp vì lý do nào đó nên việc ít vận động hay bị hạn chế như: Đau khớp gối mạn tính, đau lưng, chân yếu khó đi lại thì rất dễ xảy ra táo bón người già.
Do uống ít nước
Hiện tượng này thường gặp ở hầu hết người cao tuổi, nhất là những người có bệnh lý ở hệ thống thận tiết niệu hoặc các người cao tuổi có u xơ tiền liệt tuyến nên nảy sinh tâm lý không muốn uống nước. Uống ít nước cũng là một trong những yếu tố dẫn đến tình trạng táo bón.
Một trong những nguyên nhân gây táo bón ở người già là uống ít nước hoặc không đủ nước
Do chế độ dinh dưỡng không hợp lý
Đặc biệt là chế độ ăn ít rau xanh và hoa quả tươi, một số khác là do yêu cầu trong điều trị một bệnh nào đó nhưng người bệnh lại kiêng khem quá mức dẫn đến ăn ít hoặc chán không muốn ăn nên chất cặn bã ít, phân ít không tạo được sự phản xạ co bóp của đại tràng. Một số người cao tuổi khác lại ăn những loại thức ăn có nhiều thành phần chứa chất béo như: bơ, sữa, đường tinh chế và thức ăn ít chất xơ, cay, nóng.
Do tác dụng phụ của thuốc
Việc sử dụng các loại thuốc có chất tanin, thuốc chống trầm cảm, thuốc bao bọc niêm mạc dạ dày có chứa nhôm, lạm dụng một số thuốc có tác dụng nhuận tràng, do dùng nhiều quá không có tác dụng nhuận tràng như mong muốn nên dẫn tới việc người già bị táo bón.
Bệnh trĩ
Khi bị trĩ, bệnh nhân thường có xu hướng nhịn đi đại tiện vì sợ đau và chảy máu. Khi nhịn đại tiện lâu và nhiều lần sẽ gây ra tình trạng giảm phản xạ đại tiện dẫn đến tích trữ phân nên sẽ bị táo bón. Khi càng bị táo bón, việc đại tiện càng đau và càng dễ chảy máu. Kết quả là bệnh nhân càng nhịn đi đại tiện thì táo bón ngày càng tiến triển thành vòng luẩn quẩn.
Ngoài ra, còn một nguyên nhân cần hết sức lưu tâm khi người già bị táo bón đó là các tổn thương ở ống tiêu hóa hoặc cơ quan lân cận, nhất là bệnh lý ung thư đại trực tràng hoặc do một số tổn thương khác làm hẹp lòng đại tràng.
2. Biến chứng của táo bón
Bệnh táo bón ở người cao tuổi nếu không được chữa trị kịp thời có thể dẫn tới một số biến chứng nguy hiểm như:
- Sự nêm chặt phân ở đại trực tràng dẫn đến táo bón, khi đó người già phải rặn nhiều dẫn đến tim đập nhanh, người mệt mỏi, thậm chí là bất tỉnh hoặc đột tử do nhồi máu cơ tim.
- Tuổi cao sức yếu, khi người già khó đi đại tiện phải gắng sức nhiều nên có thể sẽ làm vỡ các phế nang.
- Đối với những người cao tuổi bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính có thể sẽ gây tràn khí màng phổi nếu bị táo bón.
- Khi người già bị táo bón không thể đi đại tiện được khiến phân có thể chèn lên bàng quang gây bí tiểu tiện dẫn tới suy thận.
- Rặn nhiều lần có thể dẫn tới sa trực tràng, nguy cơ trĩ nội và trĩ ngoại (mỗi lần đi ngoài ra máu tươi trong hoặc sau khi đi ngoài), táo bón kinh niên có thể là nguy cơ đưa đến ung thư ruột già và trực tràng.
- Táo bón ở người già cũng có thể là yếu tố nguy cơ ở người tăng huyết áp, xơ vữa động mạch, loạn nhịp tim...
Táo bón có những biến chứng nguy hiểm có thể gây loạn nhịp tim ở người già
3. Điều trị và phòng ngừa táo bón
Ngoài việc điều trị táo bón thì người lớn tuổi có thể phòng ngừa táo bón bằng các phương pháp sau:
- Táo bón do phản ứng phụ của thuốc trị bệnh thì người lớn tuổi có thể đề nghị bác sĩ đổi hay dừng thuốc điều trị bệnh
- Sử dụng thực phẩm có nhiều chất xơ và uống đủ nước: Chất xơ có nhiều trong rau, quả, củ và ngũ cốc thô. Rau quả và ngũ cốc toàn phần không chỉ cung cấp nhiều chất xơ mà còn có tác dụng bảo vệ tim mạch, phòng chống ung thư và nâng cao hệ miễn dịch.
- Tập các bài tập thể dục nhẹ nhàng để tăng cường tuần hoàn vùng ổ bụng, khả năng hoạt động cơ sàn chậu, giúp đại tiện dễ dàng hơn.
- Đi đại tiện vào đúng một giờ nhất định và ngồi vệ sinh đúng tư thế: Để điều trị và phòng ngừa táo bón ở người già nên tập thói quen đi đại tiện vào đúng một giờ nhất định, tốt nhất là vào buổi sáng. Nếu ngồi bồn cầu, tư thế đại tiện đúng nhất là dùng ghế nhỏ kê dưới hai bàn chân sao cho phần bụng và đùi tạo thành một góc 35 độ.
- Giữ tinh thần thoải mái: Trong chăm sóc sức khỏe, yếu tố tâm lý luôn luôn đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc duy trì, đẩy lùi bệnh tật. Vì vậy bạn hãy giữ một tinh thần lạc quan, tránh lo lắng, muộn phiền, giận dữ, mất ngủ.
- Dùng thuốc nhuận tràng: Táo bón ở người cao tuổi có thể dùng thuốc nhuận tràng làm mềm phân, hỗ trợ khi không thể đi ngoài trong nhiều ngày. Tuy nhiên, không nên lạm dụng cách này bởi có bị tác dụng ngược.
Theo Vinmec
Bài viết liên quan