Bệnh biếng ăn ở người lớn là cần thận trọng và không nên chủ quan, bởi nếu để lâu sẽ gây ra biếng ăn bệnh lý. Biếng ăn ở người lớn nếu không được điều trị kịp thời có thể gây sụt cân và suy dinh dưỡng nghiêm trọng.

1. Nguyên nhân

Có nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến việc suy giảm khẩu vị, gây chán ăn. Nếu gia đình, người thân phát hiện sớm người bệnh sẽ giải quyết nguyên nhân gây ra chứng biếng ăn. Dưới đây là một số nguyên nhân gây ra bệnh biếng ăn ở người lớn:

  • Các bệnh về đường tiêu hóa: Đây là thủ phạm gây mất vị giác, ăn không ngon, chán ăn. Khi mắc các bệnh về tiêu hóa như loạn khuẩn đường ruột,… cơ thể sẽ không hấp thu các chất dinh dưỡng từ thức ăn. Bên cạnh đó, cảm giác đầy hơi, chướng bụng do ăn không tiêu sẽ gây khó chịu và không muốn ăn thêm;
  • Ăn kiêng quá mức, không hợp lý: Những phụ nữ ăn kiêng quá mức hoặc chế độ ăn kiêng không hợp lý cũng có thể trở nên biếng ăn do không có cảm giác ngon miệng đối với thức ăn, lâu dài sẽ gây ra tình trạng chán ăn;
  • Rối loạn giấc ngủ: Khi bị mất ngủ, ngủ không ngon giấc, cơ thể sẽ suy nhược và gây ra bệnh biếng ăn ở người lớn;
  • Lo lắng, căng thẳng, áp lực: Áp lực công việc và cuộc sống với nhiều lo lắng, suy nghĩ khiến tâm lý bị căng thẳng và stress sẽ dẫn đến mất ngủ, tinh thần không ổn định, cơ thể thường xuyên mệt mỏi, uể oải. Những tác nhân tâm lý khiến việc ăn uống không ngon và gây ra chán ăn;
  • Các bệnh mãn tính: Các bệnh về lao như lao phổi, lao màng phổi,... thường có triệu chứng sốt kèm theo chán ăn. Ngoài ra, các bệnh về nội tiết như tiểu đường, suy tuyến giáp hoặc suy tuyến thượng thận cũng gây ra tình trạng chán ăn;
  • Thiếu các vitamin và khoáng chất: Thiếu sắt hoặc vitamin B12 cũng có thể gây ra một số triệu chứng trong đó có chán ăn, táo bón, mệt mỏi...

2. Hậu quả của bệnh biếng ăn ở người lớn

Biếng ăn kéo dài sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sống, đặc biệt là chán ăn người già, người trung niên. Càng lớn tuổi, sức khỏe con người càng suy giảm; do đó, biếng ăn sẽ làm suy giảm phần lớn nguồn năng lượng còn lại.

Bên cạnh đó, biếng ăn ở người già còn khiến cơ thể không được nhận đủ nguồn dinh dưỡng cần thiết để nuôi cơ thể, tạo sức đề kháng ngăn cản sự tấn công của bệnh tật và quá trình lão hóa. Chức năng của các bộ phận trong cơ thể do đó cũng bị tác động, đặc biệt là các cơ bắp, hệ tim mạch, hô hấp, nội tiết... bị suy giảm theo. Từ đó, dẫn đến nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm cao hơn, hoặc gây ra các bệnh mãn tính và làm đẩy nhanh quá trình lão hóa.

Bệnh biếng ăn ở người lớn còn gây hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe, thậm chí có thể dẫn đến tử vong. Nếu bị chán ăn lâu ngày sẽ dẫn đến biếng ăn mãn tính, tức là người bệnh luôn sống trong tình trạng thiếu cân, gầy yếu. Những phụ nữ bị chán ăn mãn tính phải đối mặt với nguy cơ không thể có con, rụng tóc, xương yếu.

Biếng ăn bệnh lý cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đối với sức khỏe tinh thần vì tạo ra một vòng luẩn quẩn. Khi cơ thể bị suy nhược do biếng ăn sẽ kiệt sức và gây ra chứng trầm uất, khi bị trầm uất lại càng làm cho cơ thể kiệt sức, mệt mỏi nhiều hơn.

3. Cách khắc phục bệnh biếng ăn

Tùy theo nguyên nhân gây ra bệnh biếng ăn ở người lớn sẽ có cách giải quyết khắc phục khác nhau. Nếu nguyên nhân là do stress, áp lực trong công việc thì cần tìm cách giải tỏa căng thẳng để tránh ảnh hưởng đến tinh thần và chất lượng các bữa ăn. Khi đã loại trừ những nguyên nhân này nhưng không thuyên giảm tình trạng chán ăn thì người bệnh nên tìm đến bác sĩ để được tư vấn và có hướng điều trị phù hợp.

Ngoài ra, khi bị chán ăn người bệnh cần tạo cho mình những thói quen tích cực để khắc phục chứng biếng ăn bệnh lý, giúp ăn ngon miệng hơn như:

  • Có chế độ ăn lành mạnh, ăn đủ chất và lượng, ăn đúng giờ, không bỏ bữa, đặc biệt là bữa sáng;
  • Khi ăn nên nhai kỹ, khi ăn không nên làm việc khác để tránh sao nhãng như xem tivi, xem điện thoại…;
  • Nên chia nhỏ các bữa ăn, khoảng 5 - 6 bữa/ngày để tránh cảm giác đầy bụng, khó tiêu.

CHỨNG CHÁN ĂN Ở NGƯỜI LỚN
Xây dựng thực đơn phong phú với chế độ ăn lành mạnh, ăn đủ chất và lượng. Nguồn ảnh: Burst.shopify

  • Xây dựng thực đơn phong phú với những món ăn yêu thích, các món được trang trí đẹp mắt để kích thích vị giác, giúp ăn ngon miệng hơn;
  • Nên ăn cùng gia đình hoặc bạn bè để tạo không khí thoải mái, vui vẻ, kích thích ăn uống;
  • Tăng cường bổ sung các thực phẩm giàu dinh dưỡng, những người bị biếng ăn bệnh lý nên chú ý đến chất lượng bữa ăn hơn là lượng thức ăn đưa vào;
  • Bổ sung các loại thuốc bổ, vitamin để kích thích và cải thiện vị giác như kẽm, vitamin A, vitamin B, vitamin E;
  • Thường xuyên luyện tập thể dục, thể thao sẽ giúp tiêu hao năng lượng, buộc phải bổ sung năng lượng cho cơ thể, đồng thời cũng giúp ăn ngon miệng hơn.

4. Chăm sóc người bị biếng ăn bệnh lý

Nếu sau khi tự điều trị tại nhà mà triệu chứng biếng ăn bệnh lý vẫn không thuyên giảm, người bệnh nên đến gặp bác sĩ để được tư vấn. Để xác định nguyên nhân và có phương thức điều trị phù hợp. Sau đó, bác sĩ sẽ tiến hành đo cân nặng và chiều cao để xem người bệnh có bị nhẹ cân hay không.

Biếng ăn bệnh lý không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất bởi không đảm bảo dinh dưỡng cho cơ thể mà còn gây tổn hại đến sức khỏe tinh thần, do đó, cần được khắc phục và điều trị hợp lý.

Theo Bệnh Viện Vinmec

Bài viết liên quan