TIÊU CHẢY CẤP Ở TRẺ EM
Bệnh tiêu chảy cấp tính là loại bệnh thường gặp ở trẻ em lứa tuổi mầm non và những năm đầu cấp tiểu học do trẻ bị mất nước và các chất điện giải. Trong đó, bệnh tiêu chảy cấp cho Rotavirus là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tiêu chảy nặng thậm chí là tử vong ở trẻ nhỏ.
1. Nguyên nhân gây tiêu chảy cấp do Rotavirus
Rotavirus có khả năng tồn tại bền vững trong môi trường. Chúng có thể sống nhiều giờ trên tay và nhiều ngày trên các bề mặt cứng như bàn ghế, sàn nhà, đồ chơi, vật dụng trong gia đình...
Rotavirus lây lan chủ yếu qua đường yêu hóa, chúng tồn tại trên phân của người bệnh và truyền nhiễm qua tiếp xúc với tay. Trẻ em dưới 1 tuổi có nguy cơ bị lây nhiễm rất cao do trẻ thường xuyên tiếp xúc các đồ vật bằng tay và hay có thói quen cho lên miệng.
Cha mẹ nên lưu ý một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiêu chảy cấp do Rotavirus:
- Trẻ từ 6-11 tháng tuổi dễ mắc bệnh
- Trẻ bị suy dinh dưỡng, suy giảm miễn dịch
- Do khí hậu nhiệt đới gió mùa ở nước ta nên mẹ cần lưu ý trẻ vào mùa khô lạnh
- Bỏ những thói quen xấu như: ăn dặm không đúng cách, không rửa tay bằng xà phòng sau khi thay tả hay trong quá trình chế biến thức ăn, trước khi ăn...
2. Triệu chứng và hậu quả do Rotavirus gây ra
Sau khi bị lây nhiễm khoảng 1- 2 ngày trẻ bắt đầu có triệu chứng nôn ói và tiêu chảy. Nôn ói xuất hiện trước khi bị tiêu chảy khoảng 6-12 giờ hoặc có thể kéo dài từ 2-3 ngày. Những ngày đầu trẻ thường nôn rất nhiều và dần dần giảm bớt rồi sau đó đến tiêu chảy.
Trẻ đi ngoài phân lỏng như nước, có lúc màu xanh dưa cải, có thể kèm theo nhớt nhưng không có máu. Vài ngày sau đó tiêu chảy ngày càng tăng kéo dài khoảng 3-9 ngày.
Ngoài ra, trẻ có thêm những dấu hiệu như sốt vừa phải, đau bụng, ho và chảy nước mũi. Trong giai đoạn này, trẻ rất dễ bị mất nước, cơ thể nhanh chóng bị khô kiệt nếu không được chăm sóc thích hợp sẽ có khả năng phải nhập viện điều trị.
Bệnh tiêu chảy do nhiễm Rotavirus khiến trẻ mất nước nặng gây sụt cân và suy dinh dưỡng. Đối với một số trường hợp bệnh nặng có khả năng gây tử vong cho trẻ.
3. Chăm sóc trẻ khỏi bệnh tiêu chảy cấp do Rotavirus
Trên thực tế, hiện nay vẫn chưa có thuốc trị liệu đặc biệt đối với Rotavirus. Khi trẻ mắc phải bệnh và nhập viện, các bác sĩ sẽ điều trị triệu chứng như bù dịch bằng đường uống hoặc truyền tĩnh mạch, hạ sốt cùng với một chế độ dinh dưỡng phù hợp. Tiêu chảy do Rotavirus rất dễ lây nhiễm mặc dù áp dụng các biện pháp vệ sinh tiệt trùng thì cũng vẫn không đủ để bảo vệ trẻ khỏi tác nhân lây nhiễm này.
Probiotic (men vi sinh) được biết đến là rất tốt cho sức khỏe tiêu hóa, cân bằng hệ vi sinh vật đường ruột, tăng cường miễn dịch cho cơ thể. Và ngày càng có nhiều bằng chứng khoa học cho thấy probiotic có tác dụng phòng ngừa tiêu chảy cấp do Rotavirus và nếu được sử dụng vào thời điểm nhiễm trùng có thể làm giảm thời gian và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng (hiệu quả nhất là Lactobacillus rhamnosus).
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng probiotic có tác dụng tích cực làm tăng sản xuất các kháng thể chống lại Rotavirus. Probiotic gắn chặt vào thành ruột mà không gây tổn thương niêm mạc ruột, vì thế ngăn cản Rotavirus gắn vào thành ruột non (vì Rotavirus gắn vào thành ruột non tiết ra độc tố phá hủy tế bào ruột). Ngoài ra nếu chúng ta tạo ra nhiều kháng thể bảo vệ hơn thì Rotavirus có thể bị tiêu diệt trước khi nó có thể gây hại. Vì vậy, Probiotic có lợi cho việc tăng cường miễn dịch giúp phòng ngừa và làm giảm các triệu chứng của bệnh tiêu chảy cấp.
Tài liệu tham khảo:
1 http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/23620181
2 http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/10630440?dopt=Abstract
3 http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/9360205?dopt=Abstract
4 In-Tele-Health © 2013 (from Hyperhealth Pro CD-ROM)
5 English, J. & Dean, W. Lactobacillus GG: new breakthrough probiotic clinically proven to support gastrointestinal health. Vitamin Research News. June 1998.
6 http://www.immune.org.nz/taxonomy/term/216
7 http://www.health.govt.nz/your-health/conditions-and-treatments/diseases-and-illnesses/rotavirus
8 https://vi.wikipedia.org/wiki/Virus_rota
Bài viết liên quan