Uống bù nước và điện giải (Oresol, Hydrit)

THUỐC XOAY QUANH VIỆC ĐIỀU TRỊ TIÊU CHẢY

Khi tiêu hóa bình thường, chất lỏng chứa thức ăn và các dịch tiêu hóa đến ruột non (hồi tràng) chủ yếu dưới dạng một dung dịch muối đẳng trương giống huyết tương về hàm lượng ion natri và kali. Hồi tràng hấp thu khoảng 10% dung dịch này, phần còn lại được bài tiết vào phân để giữ cho phân không bị khô.

Trong trường hợp tiêu chảy cấp, nhiều tác nhân gây nhiễm làm thay đổi hoạt động ở ruột non, ức chế hấp thu hoặc kích thích xuất tiết. Lượng lớn dịch xuất tiết ra này không được đại tràng hấp thu hết và bị tống ra ngoài dưới dạng phân lỏng nhiều nước.

Tình trạng mất nước và chất điện giải bắt đầu ngay từ lần đầu đi phân lỏng. Các biểu hiện của từng mức độ mất nước: Khát (mất dưới 5% trọng lượng cơ thể); Nhịp tim nhanh, da nhăn, mắt trũng, hạ huyết áp, dễ bị kích thích, giảm niệu hoặc vô niệu, khát nước nhiều (mất dịch trên 5% trọng lượng cơ thể); Nếu lượng mất bằng khoảng 10% trọng lượng cơ thể, người bệnh có thể bị sốc, trạng thái hôn mê xuất hiện nhanh và nặng hơn dẫn đến tử vong.

THUỐC XOAY QUANH VIỆC ĐIỀU TRỊ TIÊU CHẢY

THUỐC XOAY QUANH VIỆC ĐIỀU TRỊ TIÊU CHẢY

Vì vậy bù nước và chất điện giải là biện pháp xử lý đầu tiên cần áp dụng trong điều trị tiêu chảy.

Men vi sinh-lợi khuẩn cho hệ tiêu hóa (Lactobacillus acidophilus, Bifidobacterium,…)

Bình thường, hệ vi khuẩn đường ruột có sự cân bằng giữa vi khuẩn có lợi và vi khuẩn có hại. Khi vi khuẩn có lợi bị tấn công bởi các tác nhân như rượu, stress, nhiễm khuẩn, kháng sinh đã gây ra sự mất cân bằng làm tăng vi khuẩn có hại, dẫn đến rối loạn tiêu hóa (tiêu chảy, táo bón, chướng bụng).

Men vi sinh là các vi khuẩn có lợi thuộc nhóm sinh acid lactic. Chúng có khả năng tổng hợp vitamin nhóm B và chất diệt khuẩn như lactocidin và acidophillin.

THUỐC XOAY QUANH VIỆC ĐIỀU TRỊ TIÊU CHẢY

Trong các chế phẩm men vi sinh chúng ở dạng đông khô, khi vào đến ruột chúng sẽ sống dậy, sinh sôi rất nhanh tạo ra một đội quân hùng hậu trấn áp và tiêu diệt các vi khuẩn có hại như E.coli, virus rota… để lập lại trạng thái cân bằng cho hệ vi khuẩn đường ruột. Đồng thời kích thích vi khuẩn có lợi phát triển, kích thích miễn dịch không đặc hiệu của niêm mạc ruột (tăng tổng hợp IgA) và diệt khuẩn.

Bổ sung men vi sinh cùng với biện pháp bù nước và chất điện giải được xem là giải pháp tự nhiên trong điều trị tiêu chảy vì chúng an toàn, hầu như không gây tác dụng phụ cho cơ thể. Ngoài ra chúng còn đem lại nhiều lợi ích khác cho sức khỏe, giúp đường tiêu hóa khỏe mạnh hơn.

Các chất hấp phụ, bao phủ niêm mạc ruột (Atapulgit, Diosmectite)

* Diosmectite

Do có trọng lượng phân tử cao, cấu trúc phiến mỏng, tính chất dẻo dai nên các chất này có khả năng gắn với protein của niêm mạc đường tiêu hóa, tạo thành một lớp mỏng bao phủ, bảo vệ niêm  mạc. Các tác nhân gây tiêu chảy vì thế không thể bám tiếp vào niêm mạc ống tiêu hóa. Nhờ đó, giúp thúc đẩy nhanh quá trình hồi phục trong bệnh tiêu chảy cấp, cải thiện khuôn phân, giảm lượng phân thải ra và rút ngắn thời gian tiêu chảy.

Ngoài tác dụng tạo màng bảo vệ niêm mạc ruột, thuốc còn hấp phụ các độc tố của vi khuẩn, các khí trong ruột, có tác dụng cầm máu tại chỗ.

Ưu điểm lớn nhất của Diosmectite là không có chống chỉ định, không sợ quá liều. Vì không hấp thu và được thải ra ngoài theo đường tiêu hóa nên dùng được cho trẻ sơ sinh lẫn phụ nữ mang thai, bệnh nhân suy gan, suy thận…

Tuy nhiên Diosmectite chỉ là một loại thuốc có tác dụng hỗ trợ, cải thiện triệu chứng tiêu chảy chứ không phải loại thuốc giúp điều trị nguyên nhân tận gốc. Nếu tình trạng tiêu chảy đã chấm dứt thì không nên tiếp tục sử dụng vì có thể gây tình trạng táo bón. Không nên dùng Diosmectite với sữa và dùng cùng lúc với các thuốc khác vì có thể làm thay đổi khả năng hấp thu các thuốc uống kèm.

* Atapulgit

Atapulgit là hydrat nhôm magnesi silicat chủ yếu là một loại đất sét vô cơ có thành phần và lý tính tương tự như kaolin.

Atapulgit hoạt hóa (chứa trong hầu hết các chế phẩm có trên thị trường) là atapulgit được đốt nóng cẩn thận để tăng khả năng hấp phụ.

Atapulgit hoạt hóa được dùng làm chất hấp phụ trong ỉa chảy, có tác dụng bao phủ mạnh, bảo vệ niêm mạc ruột bằng cách trải thành một màng đồng đều trên khắp bề mặt niêm mạc. Atapulgit được giả định là hấp phụ nhiều vi khuẩn, độc tố và làm giảm mất nước. Nhưng Tổ chức y tế thế giới (WHO) cho rằng những phát hiện này không có ý nghĩa rõ về mặt lâm sàng. Mặc dù atapulgit có thể làm thay đổi độ đặc và vẻ ngoài của phân, nhưng không có bằng chứng xác thực là thuốc này ngăn chặn được sự mất nước và điện giải trong tiêu chảy cấp.

Ưu điểm của atapulgite thường được coi là an toàn khi dùng cho phụ nữ mang thai và cho con bú.

Tuy nhiên thuốc thường gây táo bón. Khi dùng liều cao hoặc kéo dài, có thể gây thiếu hụt phospho. Không được dùng trong điều trị tiêu chảy cấp ở trẻ em và trẻ em dưới 6 tuổi. Tính chất hấp phụ của atapulgite làm ảnh hưởng đến sự hấp thụ của một số thuốc ở đường ruột vì vậy nên uống cách các thuốc khác 2-3 giờ. Tuyệt đối không được dùng attapulgite quá liều.

Như vậy, các thuốc làm giảm triệu chứng (hấp phụ, bao phủ niêm mạc, giảm tiết dịch, giảm nhu động ruột) có thể dùng trong một số trường hợp tiêu chảy ở người lớn, nhưng không nên dùng ở trẻ em vì chúng không làm giảm được sự mất dịch và điện giải, mà còn có thể gây ra nhiều tác dụng có hại.

Loperamid, Racecadotril

Hai thuốc loperamid và racecadotril được dùng khá phổ biến trị tiêu chảy trong những năm gần đây. Chúng đều không có tính kháng khuẩn, nên không phải là thuốc đặc trị cho tiêu chảy do nhiễm khuẩn, có ảnh hưởng lên sự chuyển hóa dịch, chất điện giải qua ruột từ đó làm giảm thể tích phân, tăng độ nhớt, tỷ trọng khối. Chúng đều làm giảm được sự mất dịch và chất điện giải. Tuy nhiên chúng đều không thay thế được việc bù dịch, chất điện giải khi bị tiêu chảy. Trong tiêu chảy do nhiễm khuẩn, cần phải dùng kháng sinh đặc hiệu, nếu có kết hợp với các thuốc này thì chỉ với vai trò phối hợp mà không thể thay cho thuốc đặc hiệu.

* Loperamide

Loperamid là chất tổng hợp thuộc nhóm opiat. Nó tác dụng trực tiếp lên cơ vòng, cơ dọc thành ruột, làm giảm nhu động thành ruột, tăng lực co thắt hậu môn, giảm tiết dịch đường tiêu hóa nên làm giảm sự mất dịch, chất điện giải, giảm thể tích phân, cầm tiêu chảy khá nhanh. Loperamid với liều dùng trong điều trị tiêu chảy thì ít độc cho hệ thần kinh trung ương của người lớn. Tuy nhiên, nó có thể gây các triệu chứng thần kinh cho trẻ dưới 6 tuổi. Vì vậy, loperamid không phải là thuốc tiêu chảy cho trẻ em, không đưa vào thường quy điều trị tiêu chảy cấp cho trẻ em dưới 6 tuổi. Loperamid khi dùng liều cao kéo dài sẽ bị táo bón, đau bụng, buồn nôn, nôn, khô miệng, trướng bụng, tắc, liệt ruột (do làm giảm co thắt, giảm nhu động ruột quá mức). Ngoài ra, thuốc còn gây một số biểu hiện về thần kinh như nhức đầu, chóng mặt, mệt mỏi.  Không  dùng loperamid cho người nhu động ruột bị giảm sút, trướng bụng. Thận trọng khi dùng với người viêm loét dạ dày, có chức năng gan suy giảm. Không dùng loperamid cho người có thai (vì chưa có đủ thông tin); có thể dùng cho người cho con bú (vì thuốc tiết qua sữa rất ít) nhưng chỉ nên dùng liều thấp. Trong vòng 48 giờ dùng loperamid riêng lẻ hay kết hợp với thuốc đặc trị mà không thấy hiệu quả thì phải ngừng dùng.

* Racecadotril

Racecadotril ức chế enzym enkephalinase và qua đó làm bền chất enkephalin dẫn đến giảm tiết dịch khi có sự tăng tiết, giảm mất dịch chất điiện giải, giảm thể tích phân và cũng cho kết quả cầm việc tiêu chảy. Racecadotril với liều điều trị chưa ghi nhận thấy các tai biến nào nghiêm trọng. Racecadotril không phải là một opiat, không đi qua được hàng rào máu não của trẻ nên không có tác hại trên thần kinh của trẻ, có thể dùng cho trẻ từ 3 tháng tuổi trở lên.

Tuy nhiên, một trong những nguyên tắc trong điều trị tiêu chảy nhiễm khuẩn là không được tăng thời gian giữ lại phân lâu trong ruột, làm tăng sinh vi khuẩn trong ruột. Loperamid chống co thắt, làm giảm nhu động ruột, nên làm tăng thời gian giữ phân lại, làm tăng sinh vi khuẩn trong ruột. Từ đó có thể gây bùng phát lại sự nhiễm khuẩn. Trong trường hợp vi khuẩn tiết ra chất độc, độc tố lưu lại trong ruột còn gây hại. Như vậy, từ một thuốc chống tiêu chảy, loperamid có thể làm tái sự tiêu chảy và gây độc nếu phối hợp không khéo (dùng liều cao làm tăng sự co thắt, giảm nhu động ruột quá mức). Trong khi đó, racecadotril chỉ có cơ chế làm giảm tiết dịch mà không chống co thắt, làm giảm nhu động ruột nên không có tác dụng phụ này. Cũng vì thế, phạm vi  liều dùng của racecadotril rộng hơn. Tuy nhiên, trong lâm sàng cũng chỉ dùng với liều đủ hiệu quả chống tiết dịch, chất điện giải mà không nên dùng liều cao hơn. 

Bài viết liên quan