Bảo vệ hệ tiêu hóa của bé khỏe mạnh ngày Tết
Rối loạn tiêu hóa ngày Tết
Thức ăn ngày Tết với nhiều món mới lạ, màu sắc phong phú đẹp mắt luôn hấp dẫn các bé. Tuy nhiên, hầu hết những món này đều chứa hàm lượng chất béo, đường cao đặc biệt là các loại bánh kẹo ngày Tết. Trẻ nhỏ nếu ăn nhiều dễ gây khó chịu cho đường ruột.
Bên cạnh đó, do cha mẹ bận rộn cộng thêm bé thường mải chơi quên ăn mà giờ giấc ăn uống của bé bị thay đổi cộng thêm các loại thức ăn được nấu đi nấu lại nhiều lần trong những ngày đầu năm mới cũng sẽ tạo cơ hội cho các loại vi khuẩn hoặc hóa chất có hại xâm nhập vào đường ruột của trẻ nhỏ.
Những thay đổi này khiến hệ tiêu hóa của trẻ không thể thích nghi kịp và dẫn đến rối loạn tiêu hóa, hấp thu kém.
Ngày Tết, trẻ ăn nhiều đồ ngọt hoặc nhiều thức ăn dễ bị rối loạn tiêu hóa
Biểu hiện rối loạn tiêu hóa thường thấy của trẻ là biếng ăn, chướng bụng, phân sống, đầy hơi, khó tiêu, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, táo bón… Những triệu chứng này có thể xuất hiện riêng lẻ nhưng đôi khi cũng có thể xuất hiện cùng lúc khiến cho bé mệt mỏi, hấp thu dinh dưỡng kém và xuống sức nhanh dẫn đến suy nhược cơ thể.
Duy trì thói quen ăn uống của bé
Cách tốt nhất để ngăn chặn tình trạng rối loạn tiêu hóa xảy ra vào mỗi dịp Tết là các bậc cha mẹ nên chú ý đến việc cho con ăn uống.
Thay đổi lịch sinh hoạt, giờ ăn, ngủ là nguyên nhân chính khiến nhiều bé biếng ăn. Đặc biệt, trẻ nhỏ dưới 3 tuổi với hệ tiêu hóa còn non yếu. Khi các bé ăn không đúng bữa, ăn vội vàng, ăn cùng đồ người lớn, khả năng mắc chứng rối loạn tiêu hóa rất cao. Vì thế, bạn nên chú ý cho con ăn đúng giờ, không nên có sự thay đổi quá nhiều so với ngày thường.
Tăng cường ăn nhiều chất xơ
Trong những ngày lễ Tết, các món ăn trong nhiều gia đình thường là xào, nấu, giàu đạm, đường, chất béo, giảm trầm trọng chất xơ, vitamin, chất khoáng. Ăn quá nhiều đạm, ít rau sẽ gây ảnh hưởng đến đường tiêu hóa của trẻ. Vì vậy, bên cạnh việc chuẩn bị những món ăn truyền thống ngày đầu năm như giò, thịt, bánh… các bà mẹ cũng cần tích trữ thêm rau và hoa quả tươi trong nhà để bổ sung vào khẩu phần ăn của trẻ trong những ngày Tết.
Thực đơn ăn hàng ngày của bé cần đảm bảo đủ nhóm chất cần thiết, hạn chế chất béo, nhiều chất xơ và rau xanh để giúp bé tiêu hóa dễ dàng hơn.
Ngoài ra, trong dịp này, khi thời tiết hanh khô, trẻ chạy nhảy vui chơi nhiều nên cơ thể dễ mất nước, bạn có thể ép nước dứa, nước cam nóng, nước bưởi, nước dưa hấu … cho con uống.
Hạn chế đồ ngọt
Trong những ngày Tết, cha mẹ nên kiểm soát việc ăn uống của các bé đối với các loại bánh, kẹo, hoa quả sấy khô, mứt, nước ngọt… Những loại thực phẩm này chứa nhiều đường, béo, không có lợi cho đường ruột của trẻ nhỏ và dễ dẫn đến rối loạn tiêu hóa. Chỉ nên cho các bé ăn một lượng vừa phải.
Hạn chế đồ ăn sẵn
Trong những ngày Tết, cha mẹ thường có thói quen sử dụng thực phẩm dự trữ (dễ nhiễm khuẩn, ôi thiu…), thực phẩm chế biến sẵn (nguy cơ lạm dụng hóa chất bảo quản). Các loại thực phẩm đóng hộp, đồ ăn sẵn hoặc đồ ăn nấu đi nấu lại nhiều lần đều có hại cho đường ruột của trẻ, nhất là trẻ nhỏ vì rất dễ bị nhiễm khuẩn, ôi thiu, nguy cơ lạm dụng hóa chất bảo quản.
Đối với bé còn đang bú thì sữa mẹ vẫn là thức ăn hoàn hảo giúp ngăn ngừa rối loạn tiêu hóa ở trẻ nhỏ. Để có được nguồn sữa tốt nhất cho con, người mẹ nên có chế độ sinh hoạt, ăn uống đầy đủ, cân đối và đúng bữa. Đồng thời không lạm dụng những loại thức ăn chế biến sẵn, thức ăn ngọt, nên uống đủ nước… tránh để bé bị tiêu chảy khi sữa mẹ có những thành phần có hại cho hệ tiêu hóa.
Theo Sức khỏe và Đời sống
Bài viết liên quan