Hệ vi sinh đường ruột có số lượng vi khuẩn lớn nhất so với các vùng khác của cơ thể nên sự cân bằng của chúng tác động rất lớn đến sức khỏe người. Tình trạng rối loạn vi khuẩn đường ruột này là tình trạng xảy ra rất phổ biến ở trẻ nhỏ.

1. Vai trò của hệ vi khuẩn đường ruột

Hệ vi sinh đường ruột được hình thành sau khi em bé chào đời, các vi khuẩn trong ruột vai trò quan trọng đối với sức khỏe của con người. Chúng giúp tổng hợp các chất dinh dưỡng thiết yếu bao gồm vitamin K, vitamin B12…; phát triển và điều chỉnh hệ thống miễn dịch; hỗ trợ phát triển sức khỏe đường tiêu hóa...

Thông thường, một hệ vi sinh khuẩn đường ruột khỏe mạnh có 85% là lợi khuẩn và 15% là hại khuẩn. Nếu sự cân bằng này mất đi, tỷ lệ hại khuẩn gia tăng thì cơ thể sẽ suy yếu về khả năng miễn dịch, giảm sức đề kháng và dễ mắc một số bệnh viêm nhiễm, đặc biệt là bệnh về tiêu hóa và hô hấp...

TẠI SAO TRẺ HAY BỊ RỐI LOẠN VI KHUẨN ĐƯỜNG RUỘT
Hệ vi khuẩn đường ruột có vai trò quan trọng đối với sức khỏe của trẻ

2. Tại sao trẻ bị rối loạn vi khuẩn đường ruột?

Tình trạng nhiễm khuẩn đường ruột với những triệu chứng hay gặp ở trẻ em như đi ngoài phân lỏng, phân sống, có thể có lẫn chất nhầy hoặc một ít máu, đôi lúc kèm theo cảm giác đầy bụng và có biểu hiện sốt nhẹ. Trong một số trường hợp trẻ bị loạn khuẩn đường ruột nặng, không được phát hiện sớm và điều trị đúng cách, trẻ có thể bị mất nước trầm trọng, rối loạn điện giải, dẫn đến kiệt sức và suy dinh dưỡng kéo dài.

Loạn khuẩn đường ruột do rất nhiều nguyên nhân gây ra như:  cho trẻ ăn dặm quá sớm (trước 6 tháng tuổi) hoặc chế độ ăn chưa hợp lý; trẻ bị suy dinh dưỡng; thay đổi thời tiết tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn trong ruột có hại phát triển…

Ngoài ra, với những trẻ dùng kháng sinh liều cao và kéo dài để điều trị các bệnh viêm họng, viêm amidan, viêm phổi... . Điều đó vô tình tiêu diệt các vi khuẩn có lợi, ảnh hưởng đến cân bằng hệ vi khuẩn đường ruột.

3. Hậu quả của loạn khuẩn đường ruột

Rối loạn hệ vi sinh đường ruột - dấu hiệu đầu tiên xảy ra các vấn đề về hệ tiêu hóa như: rối loạn tiêu hóa, ợ nóng, đầy hơi, tiêu chảy, táo bón, hội chứng ruột kích thích... và các vấn đề về tinh thần như trầm cảm, lo âu, đầu óc trì trệ, kém tập trung.

Loạn khuẩn đường ruột làm cơ thể kém hấp thu chất dinh dưỡng, biếng ăn dẫn đến thiếu chất, chậm tăng cân, bị suy dinh dưỡng thể nhẹ cân và lâu dài hơn có thể dẫn tới suy dinh dưỡng thể thấp còi.

Giảm tỷ lệ lợi khuẩn trong ruột khiến trẻ bị giảm sức đề kháng, dễ mắc các bệnh như bệnh tả, bệnh kiết lỵ, viêm đại tràng... Đặc biệt, khi trẻ bị rối loạn tiêu hóa nặng với biểu hiện tiêu chảy kéo dài sẽ gây ra suy nhược cơ thể, hôn mê…nếu trẻ không được điều trị bù nước và chất điện giải kịp thời.

TẠI SAO TRẺ HAY BỊ RỐI LOẠN VI KHUẨN ĐƯỜNG RUỘT
Trẻ dễ mắc bệnh tả do bị giảm sức đề kháng

4. Phòng ngừa loạn khuẩn đường ruột

Để phòng ngừa sự mất cân bằng cho hệ vi khuẩn đường ruột, bố mẹ nên thực hiện một số biện pháp sau:

  • Cho trẻ bú sớm ngay sau sinh, bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời và chỉ cho trẻ ăn bổ sung khi trẻ được 6 tháng tuổi (trẻ dưới 6 tuổi chưa có đủ men tiêu hóa các thức ăn ngoài sữa mẹ, dẫn đến rối loạn tiêu hóa và tổn thương đường ruột non nớt của trẻ).
  • Cho trẻ ăn những thực phẩm cung cấp nguồn vi khuẩn có lợi hoặc hỗ trợ sự phát triển của vi khuẩn có lợi như thực phẩm lên men (sữa chua,kim chi); thực phẩm có nhiều chất xơ (các loại đậu, yến mạch, chuối hoặc hành tây); các loại ngũ cốc; trà xanh; đồ uống trái cây...
  • Khi chế biến thức ăn cho trẻ cần đảm bảo nguyên liệu tươi sạch, đun chín kỹ và hợp vệ sinh.
  • Cần tập cho trẻ có thói quen rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng diệt khuẩn trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Không cho trẻ mút tay hoặc đưa đồ chơi vào miệng.
  • Khi trẻ có dấu hiệu bị rối loạn tiêu hóa, cần đưa trẻ đi khám và uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ, không tự ý cho trẻ dùng thuốc vì có thể làm bệnh nặng lên, gây nhiều khó khăn cho quá trình chẩn đoán và điều trị.

Bài viết liên quan