Phân biệt biếng ăn sinh lý - biếng ăn bệnh lý
Biếng ăn là chứng rối loạn dinh dưỡng thường gặp ở trẻ do nhiều nguyên nhân gây ra: thay đổi sinh lý, tâm lý không thoải mái hoặc mắc một số bệnh nhiễm khuẩn,...
1. Dấu hiệu nhận biết trẻ biếng ăn
Trẻ được coi là biếng ăn khi có trên 2 biểu hiện trong số những biểu hiện dưới đây:
- Không chịu ăn hết khẩu phần hoặc bữa ăn thường kéo dài hơn 30 phút.
- Ăn ít hơn 1⁄2 khẩu phần ăn theo tuổi.
- Ngậm thức ăn trong miệng lâu không chịu nuốt.
- Từ chối không ăn, chạy trốn hoặc khóc lóc khi thấy thức ăn.
- Có phản ứng buồn nôn khi nhìn thấy thức ăn.
- Không tăng cân liên tục trong 3 tháng liền.
2. Biếng ăn sinh lý vs biếng ăn bệnh lý
Có rất nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng biếng ăn ở trẻ em, phổ biến nhất là nguyên nhân sinh lý và nguyên nhân bệnh lý.
Biếng ăn sinh lý
- Do thiếu dinh dưỡng từ khi là bào thai: Người mẹ khi mang thai bị thiếu các chất dinh dưỡng cần thiết như canxi, sắt, kẽm, các loại vitamin cần thiết,... sẽ khiến thai nhi bị thiếu và dẫn đến suy dinh dưỡng.
Kết quả là trẻ sinh non tháng, lười bú mẹ trong những tháng đầu sau sinh. Những trẻ sinh đủ ngày, đủ cân cũng có thể lười bú mẹ, bỏ bú mẹ hoặc khi đang ăn sữa ngoài bình thường đột nhiên giảm lượng ăn hoặc bỏ hẳn sữa ngoài.
Biếng ăn sinh lý xảy ra khi trẻ bước vào những giai đoạn học hỏi những kỹ năng mới
- Do thay đổi sinh lý: Khi trẻ bước vào những giai đoạn mới như biết lật, biết ngồi, biết bò, biết đi, mọc răng, học nói,... trẻ thường biếng ăn. Ngay cả khi khỏe mạnh, trẻ cũng có những giai đoạn ăn ít hẳn trong vài ngày hoặc vài tuần mà vẫn vui chơi bình thường.
Đó là những giai đoạn trẻ mải khám phá khả năng của cơ thể, học và luyện tập những kỹ năng mới nên không chú tâm tới việc ăn uống. Giai đoạn này thường gặp ở trẻ 3 – 4 tháng, 9 - 12 tháng, 16 – 18 tháng,... Sau đó, trẻ sẽ quay lại chế độ ăn uống bình thường.
Biếng ăn bệnh lý
- Trẻ gặp khó khăn khi nhai và nuốt: khi trẻ bị bệnh liên quan đến vòm họng: viêm amidan, nấm lưỡi, áp xe lợi hoặc viêm tuyến nước bọt… điều đó làm trẻ rất ngại nhai, nuốt, dẫn tới chán ăn.
- Rối loạn tiêu hóa: Các triệu chứng của rối loạn đường tiêu hóa như đau bụng, tiêu chảy, nôn trớ hay táo bón,... đều khiến bé lười ăn, chậm lớn. Đó là dấu hiệu của tình trạng rối loạn co bóp, tiết dịch trong dạ dày hoặc loạn khuẩn đường ruột.
Trẻ bị biếng ăn khi mắc phải một số bệnh lý nhiễm khuẩn hoặc rối loạn tiêu hóa
- Nhiễm trùng: So với người lớn, hệ miễn dịch của trẻ rất non nớt nên chưa có nhiều cơ chế bảo vệ trước các tác nhân gây bệnh như vi khuẩn, virus.
Vì vậy, các bé dễ bị ho, sốt, mệt mỏi,... do nhiễm trùng đường hô hấp (viêm phổi) hoặc hệ tiêu hóa (viêm dạ dày, viêm ruột,...). Khi trẻ bị nhiễm khuẩn, hàm lượng các vitamin và khoáng chất bị mất đi rất lớn, đặc biệt là vitamin A, vitamin nhóm B, vitamin C, sắt, kẽm, magie,... làm trẻ lười ăn hoặc không muốn ăn. Bên cạnh đó, trẻ bị nhiễm khuẩn thường dùng các loại kháng sinh, dễ dẫn đến loạn khuẩn đường ruột, gây chướng bụng, khó tiêu và chán ăn.
- Nhiễm ký sinh trùng: giun, sán cũng gây biếng ăn ở trẻ.
3. Cách khắc phục biếng ăn sinh lý, biếng ăn bệnh lý
Với biếng ăn sinh lý
Trong giai đoạn trẻ đang làm quen với những kỹ năng mới, phụ huynh nên bình tĩnh theo dõi xem trẻ có phải mắc chứng biếng ăn sinh lý hay không.
Biểu hiện của tình trạng này là trẻ không bệnh, vẫn chơi đùa tốt nhưng ăn ít. Để giúp bé ăn được nhiều hơn, phụ huynh có thể cho trẻ ăn từng chút một với nhiều món ăn trong bữa chính.
Nếu trẻ ăn ít trong các bữa chính thì cha mẹ có thể cho bé ăn thành nhiều bữa trong ngày. Đồng thời, phụ huynh cũng nên cho trẻ ăn những thức ăn trẻ yêu thích, lạ miệng, dễ nuốt,... trong thời điểm này.
Phụ huynh có thể cho trẻ biếng ăn sinh lý ăn thành nhiều bữa nhỏ trong ngày
Do biếng ăn sinh lý là điều sẽ xảy ra trong quá trình phát triển của trẻ nên các bậc phụ huynh không nên ép trẻ ăn quá mức vì có thể gây sợ hãi và biến chuyển thành biếng ăn tâm lý, rất có hại sau này. Tuy nhiên, nếu sau 2 – 3 tuần mà tình trạng biếng ăn của trẻ không chuyển biến tích cực hơn, trẻ bị sụt cân hoặc đứng cân trong một tháng thì cha mẹ nên đưa bé đi khám ở chuyên khoa nhi hoặc dinh dưỡng để được tư vấn, hỗ trợ kịp thời.
Với biếng ăn bệnh lý
Khi mắc bệnh, trẻ thường mệt mỏi dẫn tới chán ăn, lười ăn. Lượng thực phẩm nạp vào cơ thể ít đi dẫn tới sự thiếu hụt về dinh dưỡng, thiếu calo cho cơ thể sẽ khiến bé mệt mỏi và chán ăn hơn. Vì vậy, phụ huynh cần chú trọng tới việc đảm bảo nguồn dinh dưỡng hợp lý trong khẩu phần ăn hằng ngày của trẻ để phục hồi thể lực và tăng sức đề kháng cho bé.
Một số lưu ý quan trọng các bậc cha mẹ nên thực hiện là:
Chế biến và trình bày món ăn hấp dẫn để bé ăn được nhiều hơn
- Chế biến và trình bày món ăn hấp dẫn hơn để thu hút trẻ và kích thích sự ngon miệng của trẻ.
- Thiết lập khẩu phần ăn cho bé cần cân bằng 4 nhóm chất: đạm, đường bột, chất béo, vitamin và các chất dinh dưỡng khác
- Trong thời gian điều trị các bệnh nhiễm khuẩn, cần bổ sung đầy đủ vitamin A, vitamin nhóm B, vitamin C và các chất như magie, kẽm cho trẻ.
- Không lạm dụng kháng sinh vì dễ gây mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột, khiến bé bị chướng bụng, khó tiêu và chán ăn.
- Giảm đau khi trẻ mọc răng hoặc viêm loét vùng miệng.
- Tạo không khí bữa ăn vui vẻ, thoải mái để trẻ ăn ngon miệng hơn.
Bài viết liên quan