GIẢI PHÁP KHI ĐẦY HƠI-KHÓ TIÊU
Từ xưa đến nay đã có rất nhiều giải pháp cho vấn đề đầy hơi-khó tiêu. Bài viết này sẽ giúp cho đọc giả có thêm một số giải pháp mới, thích hợp với từng đối tượng cụ thể nhằm giúp cho bạn sở hữu một sức khỏe tốt, một hệ tiêu hóa khỏe mạnh.
Giải pháp Enzymes tiêu hóa
Thông thường người lớn tuổi nên bổ sung các loại enzyme tiêu hoá để hỗ trợ tiêu hoá thức ăn dễ dàng hơn. Pancreatin (enzyme tiêu hóa nguồn gốc động vật) không nên dùng quá 10 ngày nếu không có chỉ định của Bác sĩ. Ngày nay việc ứng dụng các enzyme có nguồn gốc từ trái cây, thực vật có thể dùng dài ngày hơn.
Than hoạt tính
Có một phương pháp nữa là thuốc than hoạt tính (jacoblet) được biết đến và sử dụng rộng rãi từ lâu nhưng vẫn là một trong những thứ thuốc hữu ích để chữa trị chứng đầy bụng. Tuy nhiên nó có thể gây bẩn quần áo, viên quá to khó uống, không dùng được cho trẻ em và thường gây táo bón.
Simethicone giảm đầy hơi chướng bụng
Các loại thuốc hỗ trợ tiêu hoá mới nhất có chứa hoạt chất simethicone với tác dụng rút hơi dư, làm tan các bóng hơi trong bao tử để chúng ta không bị đầy hơi, giảm cảm giác lình xình khó chịu. Và hoạt chất simethicone có ưu điểm không hấp thu vào máu, nên có thể dùng thường xuyên lại không gây tác dụng phụ và có thể mua dễ dàng tại các nhà thuốc không cần toa bác sĩ. Các chế phẩm thuốc chứa simethicone cũng có dạng nhũ dịch, dễ dàng và an toàn khi sử dụng cho trẻ em.
Lắng nghe tiếng nói cơ thể
Ngoài việc dùng thuốc, chúng ta có thể thay đổi thói quen ăn uống hàng ngày, bắt đầu bằng những thức ăn ít mỡ, hạn chế đồ chua. Việc cảm nhận, lắng nghe cơ thể cũng hết sức quan trọng, trước tiên ăn thức ăn cơ thể tiêu hoá được, sau đó ta nên thêm mỗi ngày một loại thức ăn mới để cảm nhận, nếu thức ăn làm cho ta khó chịu hãy dần thay đổi. Trường hợp thức ăn nào ăn cũng tạo cảm giác khó tiêu cả thì đó là một triệu chứng không tốt.
Vận động, rèn luyện cơ thể
Vấn đề quan trọng nhất là ăn uống đúng giờ đúng giấc và tập thể dục, bơi lội đều đặn. Khi tập thể dục thường xuyên và vận động đều đặn, cơ thể chúng ta sẽ khoẻ mạnh hơn, và hệ tiêu hoá cũng khoẻ mạnh hơn giúp tiêu hoá tốt các loại thức ăn, hạn chế đầy hơi, khó tiêu. Nhưng không nên tập thể dục trước khi ăn hoặc là tập thể dục ngay sau khi ăn.
Bổ sung men vi sinh sau khi dùng kháng sinh
Chú ý sau những đợt điều trị kháng sinh (những bệnh phải uống thuốc kháng sinh) khuyến khích nên bổ sung thêm men vi sinh tăng cường lợi khuẩn, hỗ trợ đường ruột. Đồng thời cũng nên bổ sung đầy đủ vitamin D cho cơ thể (uống vitamin bổ sung, thường xuyên phơi nắng vào sáng sớm để cơ thể tổng hợp vitamin D) vì khi thiếu vitamin D có thể gây ra một số triệu chứng khác liên quan tới vấn đề hấp thụ thức ăn làm cho chúng ta dễ bị khó chịu về đường tiêu hoá.
Những lưu ý phòng tránh khó tiêu, đầy hơi
Không nên nằm ngay sau khi ăn, ăn trước từ 3-4h để giúp bộ máy tiêu hóa thức ăn được hoạt động tốt trước khi ngủ. Thực tế sau khi ăn xong, chúng ta nằm ngay thức ăn có thể chạy ngược lên thực quản và đây là những triệu chứng của bệnh ợ chua.
Sau khi ăn xong thì chúng ta nên đi bộ nhẹ nhàng, không nên tập thể dục giúp cho thức ăn được dễ tiêu hoá. Nhiều trường hợp sau ăn thường ngồi xem tivi khiến sự tiêu hoá thức ăn khó khăn hơn một chút (hạn chế ngồi một chỗ). Khi ngồi bụng quặp lại làm cho bao tử không có chỗ để giản ra nên làm tăng sự khó chịu. Khi đi đứng, hơi ở trong ruột có thể được thả ra ngoài giúp giảm đầy hơi hơn.
Quá trình ăn uống, thì mỗi một lần nuốt thức ăn là cơ thể đã nuốt vào một ít hơi. Khi hơi vào trong cơ thể hoặc là ợ hơi hoặc là xì hơi, như vậy sẽ giúp đỡ được vấn đề đầy hơi-khó tiêu. Nếu đầy hơi trong bụng sẽ cảm thấy khó tiêu, khó chịu lúc này hãy xoa quanh rốn, kích thích nhu động ruột, giúp đẩy hơi ra ngoài.
Bác sĩ Bùi Xuân Dương (Việt Kiều) – chuyên khoa tiêu hoá, gan mật bệnh viện FV tpHCM
Bài viết liên quan