CHỐNG TÁO BÓN TỪ DƯỢC LIỆU THIÊN NHIÊN-LIỆU CÓ HIỆU QUẢ
Gần đây, phương tiện thông tin đại chúng nói nhiều về sử dụng dược liệu thiên nhiên làm thuốc chữa bệnh táo bón. Để giúp bạn đọc có thêm thông tin về vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với PGS. TS. Nguyễn Thị Bay (Trường Đại Học Y Dược TP. HCM).
PV: BS cho biết ý kiến về xu hướng sử dụng dược liệu thiên nhiên dùng làm thuốc phòng và chữa bệnh hiện nay nói chung và chứng táo bón nói riêng.
Khái niệm “Thức ăn là thuốc và Thuốc là thức ăn” được Y học cổ truyền ứng dụng trong nhiều chỉ định trị liệu. Với liều lượng này các loại dược liệu dùng làm thuốc trở thành những món ăn dinh dưỡng hằng ngày, hoặc với liều lượng khác hay sự phối hợp cùng nhau thì những dạng dược liệu thường ngày dùng làm thực phẩm – rau ăn có thể trở thành dạng thuốc. Khái niệm này càng phù hợp hơn với quan điểm điều trị của Y Học Cổ Truyền là nhằm “tái lập lại sự quân bình cho cơ thể” (quan niệm Bệnh là sự mất quân bình Âm Dương, Khí Huyết…v..v..). Dược liệu thiên nhiên dùng làm thuốc dưới hình thức thức ăn, hay chiết xuất tổng hợp các dược liệu lại thành dạng thuốc hiện đại – tiện dùng, tác dụng điều chỉnh theo cơ chế sinh lý của cơ thể, hoàn toàn không độc hoặc rất ít độc, không gây tác dụng phụ là xu hướng chọn lựa hiện nay của thầy thuốc trong việc dùng thuốc phòng và chữa bệnh nhất là các loại bệnh mạn tính nói chung, trong đó có chứng táo bón.
Thực phẩm – rau ăn có thể trở thành dạng thuốc
Pv: Xin BS cho biết quan điểm về cách điều trị táo bón:
PGS TS: Táo bón là một triệu chứng thường gặp về tiêu hóa, do nhiều nguyên nhân gây ra, gồm táo bón chức năng hay táo bón triệu chứng (thứ phát của nhiều loại bệnh). Táo bón được xác định khi từ 4 ngày trở lên mới đi đại tiện một lần hoặc một tuần đi ít hơn 2 lần, phân có khối lượng ít – dưới 100g – khô cứng thành từng lọn, đi khó phải ngồi lâu. Táo bón có thể có nguồn gốc từ phần trên cao của đại tràng do ứ trệ vì rối loạn vận động của thành đại tràng; nhưng cũng có thể có nguồn gốc từ hậu môn trực tràng, có thể là cấp tính khi xuất hiện đột ngột, hoặc kéo dài nhiều tháng nhiều năm gọi là mạn tính. Để điều trị trước hết là cần xác định nguyên nhân, cần phân biệt táo bón cấp tính hay mạn tính để có thái độ xử trí đúng.
Nguyên tắc điều trị nội khoa trong táo bón:
– Trước tiên là áp dụng các biện pháp không dùng thuốc như tăng cường chất xơ trong bữa ăn, uống nhiều nước, tập thể dụng, tập đi tiêu đúng giờ …
– Nếu nguyên tắc trên thất bại mới chọn lựa thuốc tác động lên nhiều yếu tố như: Thuốc làm thay đổi tính chất của phân hoặc làm tăng khối lượng của phân (chất xơ – chất nhày), hoặc làm thay đổi độ khô đặc (chất xơ hút nước làm mềm phân hay dầu thực vật); thuốc nhuận tràng tác động kích thích lên nhu động ruột, tác động lên nước và chất điện giải, và thuốc tẩy xổ …
Một thành phần quan trọng từ chế độ ăn (không dùng thuốc), đến các loại thuốc nhuận tràng làm mềm phân làm tăng khối lượng và thay đổi tính chất của phân…là chất xơ.
Pv: Như vậy, chất xơ đóng vai trò quan trọng trong phòng và chống táo bón?
PGS TS: Chất xơ là các polysaccharides không tiêu hóa được khi ăn, bao gồm các chất như cellulose, pectin, lignin… có trong các loại thức ăn như rau, củ, hạt, quả. Tuỳ theo độ phân tán trong nước mà chất xơ được chia thành 2 loại tan và không tan, tất cả các loại thức ăn thực vật đều có cả 2 loại chất xơ này. Nguồn chất xơ chủ yếu cho con người là trái cây, rau, rễ củ, đậu, ngũ cốc còn vỏ, cám gạo. Chất nhày (là loại chất xơ tan được) có trong mồng tơi, rau đay, mướp, xương sâm, xương sáo, rau câu, lô hội…..
Chất xơ không hoà tan, chủ yếu là cellulose, có tác động chống táo bón nhờ khả năng hút giữ nước làm phân mềm, và trương lên tăng khối lượng phân làm kích thích nhu động ruột tạo điều kiện cho chất bã dễ thoát ra ngoài. Khi chất xơ chống táo bón có hiệu quả cũng là cách tốt nhất để ngăn ngừa ung thư ruột kết, ung thư đại tràng, giảm nguy cơ trĩ, chống béo phì và bệnh tiểu đường.
Chất xơ hoà tan (gồm pectin cùng với chất nhày), khi đi qua ruột sẽ tạo ra thể đông làm chậm quá trình hấp thu một số chất vào máu (đây cũng là cơ chế làm giảm cholesterol trong máu của chất xơ), và cũng làm tăng độ xốp – mềm của phân. Ngoài ra, chất xơ còn có tác dụng làm giảm đường trong máu sau khi ăn nhờ tính nhày và thể tích phân tử lớn, làm men tiêu hoá khó tiếp xúc trực tiếp với các thành phần khác trong thức ăn và những thức ăn tạo đường không được tiêu hóa cũng khó hấp thu làm giảm đường trong máu. Cũng như cơ chế trên, chất xơ có tác dụng giảm cân nhờ giảm hấp thu chất béo, tạo cảm giác no lâu giúp ít thèm ăn, ức chế men tiêu hóa làm giảm tốc độ tiêu hóa thức ăn. Hơn thế nữa chất xơ hoà tan dễ dàng lên men trong ruột tạo một môi trường có khả năng ức chế quá trình oxy hoá và giúp nuôi dưỡng hệ vi khuẩn có ích sống tại ruột làm giảm nguy cơ nhiễm khuẩn đường tiêu hóa, góp phần dinh dưỡng cho niêm mạc ruột và chống lão hóa tế bào
PGS.TS. Nguyễn Thị Bay
Bài viết liên quan