Bifidobacterium - Sức khỏe của hệ tiêu hóa
Hệ tiêu hóa con người tồn tại rất nhiều loại vi khuẩn khác nhau bao gồm cả lợi khuẩn và hại khuẩn. Trong đó, vi khuẩn Bifidobacterium là lợi khuẩn rất dễ sống trong ruột, chiếm tỉ lệ đa số trong hệ vi khuẩn ruột ngay từ lúc con người mới sinh ra và giữ vai trò rất quan trọng trong việc tăng cường sức khỏe tiêu hóa.
Vi khuẩn Bifidobacterium
Năm 1899, Henry Tissier - bác sĩ nhi khoa người Pháp đã quan sát trong phân của những đứa trẻ bị tiêu chảy có một số lượng nhỏ vi khuẩn lạ, hình chữ Y - vi khuẩn Bifidobacterium. Ở những đứa trẻ khỏe mạnh, lượng vi khuẩn này chiếm số lượng lớn. Và ông cho rằng những con vi khuẩn này có khả năng chống lại bệnh tiêu chảy giúp khôi phục lại hệ vi sinh vật đường ruột.
Phân loại vi khuẩn đường ruột
Hệ vi khuẩn ruột của người lớn bao gồm khoảng 100 loài vi khuẩn khác nhau. Chúng được phân thành 2 nhóm chính:
- Vi khuẩn có hại: các vi khuẩn có khả năng gây bệnh hoặc biến đổi thành các chất độc hại gồm Clostridium, Proteus, Enterobacteria….
- Vi khuẩn có lợi: có khả năng ức chế các vi khuẩn có hại và có nhiều tác dụng sinh lý có lợi cho cơ thể con người gồm Bifidobacterium, Lactobacillus...
Một hệ vi khuẩn ruột cân bằng sẽ tạo ra một hệ tiêu hóa khỏe mạnh. Sự cân bằng hệ vi khuẩn ruột sẽ bền vững khi giữ được tỷ lệ 15% hại khuẩn và 85% lợi khuẩn (lợi khuẩn đặc trưng bởi Bifidobacterium).
Ngoài ra hệ vi khuẩn ruột còn bao gồm nhóm vi khuẩn gây bệnh cơ hội, chúng không gây bệnh ở điều kiện bình thường nhưng chúng sẽ gây bệnh cho người khi hệ miễn dịch của cơ thể suy giảm bao gồm Bacteroides, Eubacterium,…
Lợi khuẩn Bifidobacterium chiếm ưu thế trong hệ vi khuẩn ruột
Sơ đồ các loại vi khuẩn trong cơ thể người
Theo một nghiên cứu, Bifidobacterium chiếm trên 95% hệ vi khuẩn ruột ở trẻ bú mẹ. Sự gia tăng sức đề kháng chống nhiễm trùng ở trẻ sơ sinh bú mẹ một phần là do lợi khuẩn Bifidobacterium chiếm ưu thế trong vi khuẩn đường ruột đem lại. Số lượng Bifidobacterium trong đường ruột của trẻ sơ sinh bú bình ít hơn trẻ bú mẹ. Bifidobacterium chiếm ưu thế trong thời kỳ sơ sinh và sau đó giảm dần theo số lần cai sữa, các hại khuẩn như Bacteroides, Eubacterium bắt đầu gia tăng về số lượng.
Ngay cả ở người lớn, Bifidobacterium là một trong những thành phần chính và quan trọng của hệ vi khuẩn đường ruột. Vi khuẩn ruột thay đổi theo độ tuổi kèm theo sự giảm lợi khuẩn Bifidobacterium, số lượng Bifidobacterium giảm khi về già, kèm theo sự gia tăng Clostridium và các loài hại khuẩn khác.
Vai trò của Bifidobacterium
Bifidobacterium tiết dịch nhầy bao phủ lên thành ruột tạo thành lớp lá chắn bảo vệ đường ruột khỏi các tác nhân xâm hại. Bảo vệ cơ thể chống lại sự phá hoại của rotavirus gây tiêu chảy và điều chỉnh lại hệ vi sinh vật đường ruột.
Ngoài acid lactic, Bifidobacterium còn sinh ra acid axetic có tác động diệt khuẩn mạnh mẽ, chống lại các vi khuẩn gây bệnh như E.coli, Samonella, Singella… bảo vệ hệ tiêu hóa tránh các triệu chứng viêm ruột và dạ dày. Giảm đáng kể sự phát triển của các hại khuẩn và ngăn chặn viêm đường ruột do hại khuẩn gây ra.
Tiết enzyme tiêu hóa thức ăn và tăng khả năng hấp thu dinh dưỡng, sản xuất các loại vitamin nhóm B và K cần thiết cho cơ thể, tăng cường hệ miễn dịch, ngăn ngừa ung thư.
Ứng dụng lợi khuẩn Bifidobacterium công nghệ thực phẩm/dược phẩm
Với rất nhiều tác dụng tích cực kể trên, lợi khuẩn Bifidobacterium đã được sử dụng rộng rãi trong thực phẩm và dược phẩm. Việc ứng dụng Bifidobacterium vào trong sản xuất thực phẩm đã được thực hiện ở Đức từ rất sớm và được chủ động sử dụng rộng rãi ở Nhật vào đầu thập niên 1980. Sau đó nó đã được lan truyền đến các nước Châu Âu và hiện đang được sử dụng rộng rãi trên toàn thế giới.
Việc ứng dụng phổ biến nhất của Bifidobacterium trong thực phẩm là sữa chua, sữa chua uống… trong dược phẩm là các chế phẩm men vi sinh. Tuy nhiên, để duy trì số lượng vi khuẩn có thể tồn tại trong các sản phẩm cho đến khi hết hạn sử dụng đòi hỏi công nghệ sản xuất hiện đại. Vì Bifidobacterium là loài vi khuẩn kị khí, nhạy cảm với môi trường oxy, cần có kỹ thuật đặc biệt trong suốt quá trình sản xuất để loại bỏ tác động của oxy.
Tài liệu tham khảo
Akiyama K, Shimada M, Ishizeki S, Takigawa I, Imura S, Yamauchi K, Hatano M, Abe N, Yaeshima T, Hayasawa H & Shimimura S. (1994). Effect of administration of Bifidobacterium in extremely premature infants: Development of intestinal microflora by orally administered Bifidobacterium longum (in comparison with Bifidobacterium breve). Acta Neonatologica Japonica 30, 257-263.
Araya-Kojima T, Yaeshima T, Ishibashi N, Shimamura S and Hayasawa H. (1995). Inhibitory effects of Bifidobacterium longum BB536 on harmful intestinal bacteria. Bifidobacteria and Microflora. 14(2), 59-66.
Ishibashi N & Shimamura S. (1993). Bifidobacteria: research and development in Japan. Fd. Tech. June 126-135.
Akiyama K, Hosono S, Takahashi E, Ishizeki S, Takigawa I, Imura S, Yamauchi K, Yaeshima T, Hayasawa H & Shimimura S. (1994). Effects of oral administration of Bifidobacterium breve on development of intestinal microflora in extremely premature infants. Acta Neonatological Japonica 30, 130-137.
Mitsuoka T. (1984). Taxonomy and ecology of bifidobacteria. Bifidobacteria and Microflora, 3(1) 11-28.
Rasic JLJ & Kurmann JA. (1983). Effect of substrate on the growth of bifidobacteria. In: Bifidobacteria and their role. Page 42-50, Birkha-ser.
Bài viết liên quan