7 CÁCH CẢI THIỆN HỆ TIÊU HÓA MỘT CÁCH TỰ NHIÊN
Nếu không chăm sóc sức khỏe tốt, bạn sẽ có nguy cơ gặp các vấn đề tiêu hóa như đau bụng, tiêu chảy, táo bón… Bạn có thể thay đổi chế độ ăn uống và sinh hoạt để cải thiện hệ tiêu hóa đồng thời bổ sung một số loại men vi sinh an toàn cho hệ tiêu hóa.
Bạn có thể từng bị đầy hơi, ợ nóng, buồn nôn, táo bón hoặc tiêu chảy nhưng nếu những triệu chứng này xảy ra quá thường xuyên thì có thể ảnh hưởng tới cuộc sống hằng ngày. Để tránh bị những triệu chứng khó chịu quấy rầy, bạn có thể cải thiện hệ tiêu hóa bằng cách thay đổi chế độ ăn uống và lối sống giúp tiêu hóa, hấp thu tốt.
Cải thiện hệ tiêu hóa bằng các dưỡng chất
Bạn có thể bổ sung một số chất dinh dưỡng có chức năng hỗ trợ đường tiêu hóa như:
• Probiotics: Đây là lợi khuẩn có thể cải thiện sức khỏe hệ tiêu hóa. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng probiotics có thể cải thiện các triệu chứng chướng bụng, đầy hơi và đau ở những người mắc hội chứng ruột kích thích. Ngoài ra, probiotics còn có thể cải thiện triệu chứng táo bón và tiêu chảy sau khi dùng những đợt kháng sinh, tăng cường lợi khuẩn, tăng hấp thu.
• Glutamine: Glutamine là một axit amin hỗ trợ sức khỏe đường ruột đã được chứng minh là có thể làm giảm chứng rò rỉ ruột ở những người bị bệnh nặng. Bạn có thể bổ sung glutamine bằng cách ăn gà tây, đậu nành, trứng và hạnh nhân. Ngoài ra, bạn cũng có thể hỏi ý kiến bác sĩ để uống thực phẩm bổ sung chứa glutamine.
• Kẽm: Việc thiếu kẽm có thể dẫn đến các rối loạn tiêu hóa khác nhau vì kẽm là một khoáng chất rất quan trọng để giúp bạn có đường ruột khỏe mạnh. Bạn có thể bổ sung kẽm để điều trị tiêu chảy, viêm đại tràng, rò rỉ ruột và các vấn đề tiêu hóa khác. Lượng kẽm khuyến cáo hàng ngày là 8mg cho nữ và 11mg cho nam. Thực phẩm giàu kẽm bạn có thể bổ sung bao gồm động vật có vỏ, thịt bò và hạt hướng dương.
• Chất xơ: rất có ích cho hệ tiêu hóa. Chất xơ hòa tan hấp thụ nước và giúp bạn bài tiết dễ dàng hơn. Chất xơ không hòa tan thì giúp hệ tiêu hóa hoạt động hiệu quả và trơn tru. Một chế độ ăn giàu chất xơ giúp bạn giảm nguy cơ mắc các bệnh về tiêu hóa như viêm loét, trào ngược, trĩ, viêm túi thừa và hội chứng ruột kích thích. Chất xơ hòa tan có trong cám yến mạch, các loại đậu và hạt. Chất xơ không hòa tan có trong rau, ngũ cốc và cám lúa mì.
• Chất béo: Một hệ tiêu hóa tốt đòi hỏi bạn ăn đủ chất béo vì chất này giúp bạn cảm thấy hài lòng sau bữa ăn và hấp thụ chất dinh dưỡng tốt hơn. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng axit béo omega-3 có thể làm giảm nguy cơ mắc các bệnh viêm ruột như viêm loét đại tràng. Thực phẩm chứa nhiều axit béo omega-3 bao gồm hạt lanh, hạt chia, quả óc chó cũng như các loại cá béo như cá hồi, cá thu và cá mòi.
Cải thiện hệ tiêu hóa bằng cách tránh thức ăn nhanh
Các loại thức ăn nhanh (fast food) thường nhiều carb tinh chế, chất béo bão hòa và chất phụ gia có thể làm tăng nguy cơ rối loạn tiêu hóa. Các chất phụ gia như glucose, muối và các hóa chất khác làm tình trạng viêm ruột nặng thêm, dẫn đến rò rỉ ruột. Chất béo chuyển hóa trong thức ăn nhanh cũng làm tăng nguy cơ mắc viêm loét đại tràng.
Ngoài ra, những chất làm ngọt nhân tạo trong nước ngọt hay kem có thể làm tăng số lượng vi khuẩn có hại trong đường ruột và gây ra các vấn đề tiêu hóa. Tình trạng mất cân bằng vi khuẩn đường ruột này có thể dẫn đến hội chứng ruột kích thích, viêm loét đại tràng và bệnh Crohn.
Cải thiện hệ tiêu hóa bằng cách uống đủ nước
Thiếu nước là nguyên nhân gây táo bón phổ biến. Các chuyên gia khuyên bạn nên uống 1.5 – 2 lít nước (chất lỏng không chứa caffeine) mỗi ngày để ngăn ngừa táo bón. Tuy nhiên, bạn có thể cần uống nhiều hơn nếu bạn sống trong khí hậu ấm áp hoặc bản thân vận động, tập thể dục nhiều.
Ngoài nước lọc, bạn cũng có thể uống các loại trà thảo dược và các loại đồ uống không chứa caffeine khác. Nếu muốn, bạn cũng có thể đáp ứng nhu cầu nước của cơ thể bằng cách ăn các loại trái cây và rau quả có nhiều nước như dưa leo, bí, cần tây, cà chua, dưa, dâu, bưởi và đào.
Cải thiện hệ tiêu hóa bằng cách thư giãn
Căng thẳng có thể dẫn đến các bệnh về đường tiêu hóa như loét dạ dày, tiêu chảy, táo bón và hội chứng ruột kích thích. Điều này là vì những hormone gây căng thẳng ảnh hưởng trực tiếp đến tiêu hóa.
Khi bạn bị căng thẳng, cơ thể sẽ không cung cấp năng lượng cho hệ tiêu hóa. Hơn nữa, ruột và não cũng có kết nối với nhau nên khi não bị stress, hệ tiêu hóa cũng sẽ không hoạt động tốt.
Cải thiện hệ tiêu hóa bằng cách ăn chậm-nhai kỹ
Nếu không chú tâm khi ăn, bạn có thể ăn nhiều hơn nhu cầu của bản thân và gặp các vấn đề về tiêu hóa như chướng bụng, đầy hơi và khó tiêu. Vậy nên bạn hãy tập ăn uống chậm rãi nếu muốn cải thiện hệ tiêu hóa. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc chú tâm tới quá trình ăn uống có thể làm giảm nhẹ triệu chứng viêm loét đại tràng và hội chứng ruột kích thích.
Quá trình tiêu hóa bắt đầu ngay từ miệng khi răng cắn thức ăn thành những mảnh nhỏ để enzyme tiêu hóa nên bạn cũng cần để tâm tới tốc độ nhai nếu muốn cải thiện hệ tiêu hóa. Việc nhai không kỹ có thể làm giảm sự hấp thu chất dinh dưỡng nên bạn cần nhai chậm để giảm stress, tiết nước bọt nhiều hơn và từ đó giúp dạ dày bớt áp lực. Điều này sẽ giúp quá trình tiêu hóa trơn tru hơn và ngăn ngừa được các triệu chứng như khó tiêu và ợ nóng.
Cải thiện hệ tiêu hóa bằng cách vận động
Thói quen tập thể dục thường xuyên là một trong những cách tốt nhất để cải thiện hệ tiêu hóa. Dáng đứng thẳng và các vận động sẽ giúp thức ăn đi chuyển xuống hệ tiêu hóa tốt hơn. Ngoài ra, tập thể dục còn kích thích cơ thể sản sinh chất kháng viêm để giảm nhẹ các chứng viêm ruột.
Một nghiên cứu trên những người khỏe mạnh cho thấy hoạt động tập thể dục vừa phải như đạp xe và chạy bộ có thể tăng tốc độ tiêu hóa lên 30%. Nghiên cứu ở những người bị táo bón mãn tính cũng chỉ ra rằng 30 phút đi bộ mỗi ngày giúp cải thiện đáng kể các triệu chứng táo bón.
Cải thiện hệ tiêu hóa khi bỏ thói quen xấu
Những thói quen xấu như thức uống chứa cồn và ăn khuya không tốt cho sức khỏe nói chung và sức khỏe hệ tiêu hóa nói riêng. Bạn hãy xem xét thay đổi các thói quen sau nếu muốn cải thiện hệ tiêu hóa:
• Thức uống chứa cồn: có thể làm tăng axit trong dạ dày, dẫn đến chứng ợ nóng, trào ngược axit và loét dạ dày. Ngoài ra, việc uống quá mức có thể gây chảy máu ở đường tiêu hóa, viêm ruột, rò rỉ ruột và ảnh hưởng tới hệ vi khuẩn trong ruột.
• Ăn khuya: Thói quen ăn khuya trước khi ngủ có thể dẫn đến chứng ợ nóng và khó tiêu vì cơ thể không có đủ thời gian để tiêu hóa thức ăn. Ngoài ra, thói quen đi nằm sau khi ăn có thể ảnh hưởng tới quá trình thức ăn di chuyển trong ruột. Nếu bạn gặp vấn đề về tiêu hóa, hãy tránh ăn uống trong vòng ba đến bốn giờ trước khi đi ngủ để thức ăn có thời gian tiêu hóa.
Quá trình cải thiện hệ tiêu hóa không quá khó khăn mà chỉ cần bạn chọn thực phẩm giàu dinh dưỡng, ăn chậm nhai kỹ và vận động thường xuyên, bổ sung lợi khuẩn mỗi ngày. Làm được những điều trên, bạn sẽ không còn bị quấy rầy bởi những cơn đau bụng, đầy hơi…Hệ tiêu hóa tốt cơ thể khỏe mạnh, bạn nhớ nhé.
Bài viết liên quan