Chất xơ là thành phần không được tiêu hóa bởi các enzym ở ruột non khi ăn các loại rau quả. Tùy theo khả năng tan được trong nước, chất xơ được phân thành 2 loại là chất xơ hòa tan và chất xơ không hòa tan.

Cả 2 loại chất xơ này đều làm giảm được táo bón theo cơ chế như sau: Chất xơ khi vào cơ thể sẽ làm tăng khối lượng phân bằng cách hút nước trong ruột, trương nở và tạo khối phân, đồng thời cũng kích thích ruột già đẩy phân ra khỏi cơ thể. Trong khi chất xơ không hòa tan chỉ tăng dần kích thước nhưng không bị biến đổi khi đi qua hệ tiêu hóa thì chất xơ hòa tan lại có thể được lên men bởi hệ vi khuẩn trong ruột già tạo thành các axít béo mạch ngắn.

CHẤT XƠ NHIỀU LỢI ÍCH CHO SỨC KHỎE

Lợi ích khác của chất xơ hòa tan trên sức khỏe

Các axít béo mạch ngắn này được tạo ra bởi sự lên men của chất xơ hòa tan tại ruột già, cùng với chất xơ hòa tan có thể cung cấp các lợi ích khác cho cơ thể như:

Kích thích sự phát triển của hệ vi khuẩn có ích tại ruột già làm cho hệ tiêu hóa khỏe mạnh. Đây chính là lý do người ta hay phối hợp dung men vi sinh (probiotics) với chất xơ hòa tan (prebiotics);

Giảm sự hấp thu và giảm nồng độ cholesterol trong máu, giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch;

Tăng hấp thu các khoáng chất như calci, magiê…

Trong hỗ trợ điều trị táo bón chưa rõ nguyên nhân thì chế độ bổ sung lượng lớn chất xơ hằng ngày được đánh giá là an toàn và hiệu quả nhất. Tại Mỹ, người ta kết luận nên bổ sung 11 g – 50 g chất xơ/ngày. Tại Việt Nam, người dân được khuyến khích là nên ăn chế độ ăn có nhiều xơ tương đương với lượng rau quả là 200-300 g/ngày để có thể phòng ngừa và điều trị hiệu quả các chứng táo bón do các nguyên nhân khác nhau. Với những đối tượng không thể ăn được lượng nhiều các loại rau quả như vậy, chúng ta có thể bổ sung bằng các loại thực phẩm chức năng chứa chất xơ hòa tan được chiết xuất từ thực vật.

Tác Giả: Tiến sĩ Bác sĩ Lê Thành Lý,
Tiến sĩ Dược sĩ Nguyễn Thướng
Trích trong trang 27-28 cuốn sách: “Câu Chuyện Tiêu Hóa”

Bài viết liên quan